Nguyên tắc bảo vệ an toàn hạt nhân theo chiều sâu
Bảo vệ an toàn hạt nhân theo chiều sâu bao gồm việc triển khai có thứ tự với các mức độ khác nhau đối với thiết bị máy móc và các thủ tục để duy trì hiệu quả của các barie vật lý ngăn cách giữa các vật liệu phóng xạ và nhân viên làm việc, dân cư hay môi trường trong khi vận hành bình thường hoặc khi có các sự cố hạt nhân đối với một vài barie cho phép.
Để hạn chế hậu quả của sự cố hạt nhân, bảo vệ theo chiều sâu được thực hiện với nhiều mức che chắn nhằm bảo đảm 3 chức năng cơ bản của hệ thống an toàn: điều khiển công suất, làm mát vùng hoạt và giam giữ phóng xạ. Điều quan trọng hơn cả là phải ngăn ngừa sự cố, đặc biệt là sự cố có thể làm thoát phóng xạ ra môi trường.
Ngăn ngừa sự cố được thực hiện trên ba phương diện: thứ nhất, đảm bảo chất lượng trong các giai đoạn như lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo và xây dựng; thứ hai, các hệ thống an toàn (hệ điều khiển, hệ chỉ thị số,…) phải hoạt động chính xác để điều chỉnh mọi sai lệch về trạng thái bình thường; thứ ba, các nhân viên vận hành được đào tạo tới trình độ có thể chuẩn đoán các nguy cơ sự cố và sử dụng các biện pháp cần thiết để dập tắt các nguy cơ đó. Hơn nữa, các hệ thống an toàn của nhà máy điện hạt nhân được thiết kế theo những nguyên tắc nhất định nhằm giảm bớt việc hỏng hóc của thiết bị máy móc vì những nguyên nhân chung. Các nguyên tắc đó là:
- Nguyên tắc dự phòng: Trang bị số lượng dư thừa các hệ thống an toàn thực hiện cùng một chức năng.
- Nguyên tắc độc lập: Sự thực hiện chức năng của một hệ thống không phụ thuộc vào hoạt động của các hệ thống khác.
- Nguyên tắc tách rời: Sự phân chia vật lý của các hệ thống thực hiện cùng một chức năng bằng barie (rào) ngăn cách hoặc phân bố các hệ thống đó xa nhau một khoảng nhất định để giảm bớt xác suất hỏng hóc cùng một lúc.
- Nguyên tắc khác biệt: Các hệ thống hoặc thiết bị máy móc có cấu trúc và nguyên tắc làm việc khác nhau nhưng cùng có chung một nhiệm vụ.
Do có những nguyên tắc thiết kế như vậy nên chức năng bảo đảm an toàn và hạn chế hậu quả sự cố hạt nhân của các hệ thống thiết bị máy móc luôn được thực hiện trong quá trình vận hành nhà máy.
Khi nói đến bảo vệ an toàn hạt nhân tức là nói đến các biện pháp bảo vệ an toàn nhà máy điện hạt nhân trong các trường hợp thiết bị hoạt động bình thường và không bình thường. Trong trường hợp thiết bị hoạt động bình thường, an toàn hạt nhân dược thực hiện trên nguyên lý “tốt nhất có thể được”. Trong trường hợp thiết bị hoạt động không bình thường, an toàn hạt nhân được thực hiện trên nguyên lý “bảo vệ theo chiều sâu” theo 4 mức như sau:
- Ngăn ngừa sự xuất hiện của các sự kiện bất thường.
- Ngăn ngừa sự phát triển của các sự kiện bất thường thành sự cố.
- Hạn chế hậu quả của sự cố hạt nhân.
- Loại trừ hậu quả của sự cố hạt nhân đối với môi trường.
Còn tiếp….